Đô thị thông minh cần đáp ứng nhu cầu của người dân

29/09/2017
Theo ý kiến của các chuyên gia công nghệ tại hội thảo Smart City 360o, giải quyết yêu cầu của người dân chính là bài toán cơ bản trong việc xây dựng mô hình đô thị thông minh.
 

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng trình bày mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tại Đà Nẵng. Ảnh: Chí Thịnh
 
Giải quyết các vấn đề của đô thị
 
Nói về Đề án đô thị thông minh tại TPHCM, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, thành phố phải đối diện với tình trạng gia tăng dân số đô thị; đối mặt với những vấn đề khó khăn cần giải quyết ngay như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tình trạng ngập nước… Do đó, việc triển khai đô thị thông minh với hoạt động ứng dụng công nghệ cho từng lĩnh vực khác nhau (y tế, giáo dục, giao thông…) sẽ góp phần giải quyết các vấn đề này.
 
Đây cũng là những vấn đề cần giải quyết ở Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh…, là những địa phương đang phát triển, xây dựng đề án đô thị thông minh trong mấy năm vừa qua. Hiện tại, mỗi địa phương dựa theo mô hình đô thị thông minh ở các thành phố, quốc gia khác nhau; ví dụ như Đà Nẵng đang tham khảo mô hình thành phố thông minh của Barcelona (Tây Ban Nha) hoặc Bình Dương lại học kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh từ Hà Lan.
 
Xuất phát từ tốc độ đô thị hóa khá nhanh tại những thành phố lớn, các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng… đều phát sinh những khó khăn cần giải quyết ngay trong quản lý đô thị như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) tại các địa phương sẽ góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn này.
 
Ông Long chia sẻ, mỗi địa phương sẽ tiến hành phát triển đô thị thông minh theo cách thức riêng của mình nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn cụ thể về giao thông, y tế,… Thông qua các ứng dụng CNTT-TT, hệ thống quản lý đô thị thông minh sẽ thu thập dữ liệu theo thời gian thực (real-time), giúp cho người dân kịp thời ra quyết định liên quan đến cuộc sống.
 
TPHCM quan niệm xây dựng đô thị thông minh nhằm tạo ra công cụ quản lý đô thị hiệu quả, chính quyền điện tử; tạo ra các ứng dụng tiện ích dành cho người dân, doanh nghiệp… để giúp cho người dân thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ hạ tầng (ví dụ như dẫn đường thông minh, hướng dẫn đi xe buýt…). Phía doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng môi trường hoạt động kinh doanh, thông tin minh bạch, hỗ trợ cho việc khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.
 
Tại hội thảo, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình đô thị thông minh trong khuôn khổ QTSC. Ông nói công viên phần mềm này đã triển khai các ứng dụng CNTT-TT để giúp cho việc quản lý tài nguyên, hạ tầng tại đây được hiệu quả, thông minh hơn. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu tăng cường khả năng quản lý của QTSC cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ, sự thuận tiện của hệ thống dịch vụ trong QTSC.
 
Đầu năm 2016, QTSC đã chủ động ứng dụng các nền tảng công nghệ khác nhau như IoT (Internet of Things)... để giải quyết các bài toán về quản trị nội khu nhằm giúp công viên phần mềm này ngày càng trở nên thông minh hơn, tiến đến trở thành hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước. QTSC phát triển mô hình quản trị thông minh với ba mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu (doanh nghiệp phần mềm, nhân viên các công ty...) và phát triển thương hiệu QTSC.
 
Đáp ứng nhu cầu của người dân
 
Một đô thị thông minh sẽ phải bao gồm các hệ thống thông minh luôn kết nối với một kho dữ liệu lớn thu thập từ nhiều hệ thống khác nhau, có khả năng xử lý tình huống theo thời gian thực, cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý đô thị, người dân. Hệ thống dịch vụ thông tin ở một đô thị thông minh sẽ cung cấp thông tin một cách kịp thời và kết nối với các hệ thống hạ tầng cơ sở khác của đô thị (giao thông, y tế, giáo dục, môi trường…).
 
Tiến sĩ Nguyễn Trọng, Ban cố vấn Hội Tin học TPHCM nhận xét về nhu cầu phát triển đô thị thông minh: "Sự “mách bảo” cần thiết của các hệ thống thông minh trong đô thị sẽ giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ra quyết định. Ví dụ như nếu được mách bảo kịp thời bởi một hệ thống dẫn đường thông minh, người dân từ quận 7 di chuyển qua khu vực quận 1 sẽ chọn đường đi tốt nhất, không bị ảnh hưởng bởi các điểm kẹt xe".
 
Ông Trọng cho rằng, khi một thành phố hiện đại có thể cung cấp một hệ thống thông minh đúng nghĩa, giúp cho người dân sử dụng các dịch vụ một cách hiệu quả hơn thì hoàn toàn có thể cung cấp thông tin và yêu cầu người dùng trả tiền. Với chất lượng thông tin cung cấp kịp thời và hữu ích của hệ thống thông tin này, người dân sẽ sẵn sàng trả tiền khi sử dụng hệ thống dịch vụ thông minh này.
 
Còn ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng quan niệm một đô thị thông minh sẵn sàng cho việc ứng dụng CNTT-TT như công cụ quản lý đô thị; giúp cho người dân thoả mãn các yêu cầu thiết yếu của mình. Bên cạnh nhu cầu quản trị hành chính (đăng ký hồ sơ, làm thủ tục…), người dân còn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác một cách hiệu quả hơn thông qua ứng dụng CNTT-TT.
 
Ông Thanh đưa ra các ví dụ như khi Đà Nẵng xây dựng ứng dụng xe buýt thông minh đã giúp người dân có thể nhanh chóng thông qua tính năng xác định vị trí để tìm được trạm xe buýt gần nhất, cung cấp thời gian xe buýt đến trạm để chuẩn bị đủ thời gian đón xe buýt.
 
Hoặc như hệ thống điều khiển, giám sát hệ thống giao thông tại Đà Nẵng có khả năng điều khiển từ hệ thống tín hiệu đèn giao thông, điều phối giao thông thông qua mạng lưới camera kết nối internet cũng như điều khiển tín hiệu đèn giao thông một cách phù hợp theo tình hình trên các tuyến đường (đông xe hay vắng xe).
 
Tương tự như các quốc gia khác, Việt Nam cũng đang tiến hành lựa chọn việc triển khai đô thị thông minh (smart city) cho các thành phố lớn nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Điều quan trọng là các thành phố sẽ lựa chọn như thế nào khi triển khai xây dựng đô thị thông minh để có thể giải quyết những khó khăn này, làm hài lòng nhu cầu của người dân…
 
Theo diễn giải về đô thị thông minh của tiến sĩ Nguyễn Trọng, đô thị thông minh sẽ sở hữu một hạ tầng kỹ thuật-dịch vụ thông tin, cung cấp cho toàn thể cư dân nhiều hệ thống thông minh được kết nối chặt chẽ với nhau. Hạ tầng này chính là nhân viên tư vấn “thông minh”, luôn có thể mách bảo kịp thời những thông tin hữu ích, tin cậy cho người dân để họ có thể chọn cách giải quyết hiệu quả. Người dân sẽ dùng thông tin do hạ tầng này cung cấp và trả tiền giống như khi họ sử dụng điện, nước. Kế đến là những hệ thống kỹ thuật trong hoạt động của đô thị được ứng dụng công nghệ để trở thành những hệ thống thông minh; có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp trong đô thị. Đó chính là các hạ tầng kỹ thuật quan trọng trong đô thị như giao thông, năng lượng, hệ thống chiếu sáng, xử lý chất thải…
 
 
Nguồn: thesaigontimes.vn