Phát triển doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường

28/08/2017
Tập trung cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước hoàn thiện thể chế quản lý DN nhà nước, thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DN… 
 

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Cao su Thống Nhất thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn . Ảnh: VIỆT DŨNG
 
Tập trung cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại, danh mục DN nhà nước và DN có vốn nhà nước do Chính phủ ban hành; hoàn thiện thể chế quản lý DN nhà nước, thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DN, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính… 
 
Đó là mục tiêu và nhiệm vụ trong những năm tới, được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước”…
 
Tái cơ cấu DN gắn với thoái vốn đầu tư ngoài ngành 
 
Theo Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Anh Tuấn, thực hiện Đề án tái cơ cấu DN nhà nước giai đoạn 2013-2015, số DN nhà nước của TPHCM từ 97 đã giảm còn 79; vốn chủ sở hữu từ 53.947.793 tỷ đồng, xuống còn 51.781.046 tỷ đồng. Hiệu quả của chủ trương này được thấy rõ qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 14,65% (năm 2013) tăng lên 15,55% (năm 2015); giá trị vốn nhà nước tại 31 DN cổ phần hóa tăng gần gấp đôi; vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tăng mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung…
 
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại DN theo mô hình công ty mẹ - công ty con dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tỷ lệ vốn chủ sở hữu vẫn còn rất lớn, tập trung nhiều ở ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Các công ty mẹ - công ty con dù đã rất tích cực thoái vốn, nhưng trong 3 năm, số vốn nhà nước được thoái chưa đến 10% trên tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu, nhất là việc thoái vốn tại các tổ chức tài chính, tín dụng đạt rất thấp. Cùng với đó là tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước gặp khó khăn do cùng lúc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý với thực hiện các nhiệm vụ chính trị…
 
Đây là 2 vấn đề mấu chốt được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, với yêu cầu đặt ra là tái cơ cấu DN nhà nước phải gắn với thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bảo đảm tính hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước vào các ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; thực hiện đến năm 2020 thoái hết vốn ngoài ngành nghề, lĩnh vực sản xuất chính để tập trung đầu tư, phát triển nhanh vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính.
 
Tập trung xử lý dứt điểm các công ty nhà nước, các công trình, dự án đầu tư của DN nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DN nhà nước. Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản trị trong các DN, tái cơ cấu về tài chính, xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu DN; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, kiểm soát rủi ro tài chính… 
 
Đổi mới hoạt động của DN nhà nước theo cơ chế thị trường
 
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM Khóa X, trong phiên thảo luận các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để DN nhà nước của TPHCM thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, khắc phục được sự phân biệt, bất bình đẳng giữa các DN.
 
Các DN nhà nước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do TP giao phải tuân thủ theo cơ chế đặt hàng, lựa chọn, cạnh tranh và xác định rõ giá thành, chi phí thực hiện, trách nhiệm và quyền lợi của Nhà nước, của DN nhà nước, để đảm bảo không làm giảm hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, thực hiện vai trò dẫn dắt của DN nhà nước thuộc TP để hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước. 
 
Về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị DN vận hành theo cơ chế thị trường, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, cần áp dụng khung quản lý DN phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các DN nhà nước của TP; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành và phẩm chất đạo đức của cán bộ, tạo lập môi trường quản trị DN lành mạnh, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong DN nhà nước thuộc TP; thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý DN nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao, trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tách người quản lý DN nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức; triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DN…
 
Những vấn đề trên, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán và dựa trên nguyên lý vận hành của cơ chế thị trường, từng bước tạo sự thống nhất, bình đẳng trong hoạt động giữa các DN của nền kinh tế, tạo điều kiện để tất cả các DN có cơ hội phát triển như nhau, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TP và cả nước.
 
Cũng tại Hội nghị lần thứ 11, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong DN nhà nước đã được nhiều đại biểu đề cập đến.
 
Đây là vấn đề mới, mang tính thời sự và cấp bách, cần phải có mô hình tổ chức phù hợp với đặc điểm thực tiễn của TPHCM. Qua đó, làm rõ và định hình phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong DN nhà nước; xác định vai trò và tính hiệu quả lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại DN nhà nước từ việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, sử dụng và bảo toàn, phát triển vốn của Nhà nước, đến công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong DN, phát huy dân chủ cơ sở.
 
Trong phương thức lãnh đạo mới phải quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong DN nhà nước, DN có vốn nhà nước chi phối để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
 
Nguồn: sggp.org.vn