Phải dấn thân để không bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

07/09/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp phải "dấn thân hơn nữa"mới mong thành công trong cuộc cách mạng 4.0.
 
Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) tập trung bàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những cỡ hội và thách thức đối với Việt Nam.
 
Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã khảo sát nhanh gần 250 doanh nghiệp, tổ chức tham gia sự kiện và nhận thấy 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 58.7% đã tìm hiểu nhưng chưa sẵn sàng hoặc chưa biết chuẩn bị gì, chỉ 6.1% không hiểu gì và chưa biết chuẩn bị ra sao.
 
"Chúng ta đã nói nhiều về cách mạng lần thứ tư, tôi cũng dấn thân vào cuộc tranh luận đấy. Có các ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất rằng chúng ta phải kết nối với nhau chặt chẽ hơn giữa nhà nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải cởi mở và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp đa quốc gia và các đại sứ tại sự kiện phần nào thể hiện điều này", Phó Thủ tướng cho hay.

 
Ông Vũ Đức Đam cũng cho rằng Việt Nam đã nói nhiều về công nghiệp 4.0 và giờ là lúc phải hành động, phải xây dựng hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đi trước một bước so với nhu cầu phát triển đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng, đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, cần có cơ chế thúc đẩy smartphone, băng rộng tới mọi ngõ ngách trên cả nước.
 
"Các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, thuần phong mỹ tục… Chúng ta có chịu thua không? Chúng ta có dám dấn thân không? Nhân lực nếu là 'con trâu đi trước, cái cày đi sau' thì không bao giờ thoát được. Chỉ bằng nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, có thể tạo ra những bước phát triển đột phá thì may chăng có thể bứt lên được. Mỗi người, mỗi cơ quan hãy vì lợi ích chung làm những việc vốn không mới nhưng với tâm thế mới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cũng chia sẻ rằng Việt Nam đã bỏ lỡ ba cuộc cách mạng công nghiệp và chúng ta đã phải trả giá. Lần này là cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể thực hiện khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng. Không có thay đổi nào dễ dàng, nhất là trong cuộc chuyển đổi cách mạng. Quan trọng là thái độ cởi mở, tinh thần, dũng khí vượt khó khăn để nắm bắt thời cơ và sự dấn thân của tất cả các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi người và nhất là của các nhà lãnh đạo quốc gia.
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực CNTT, cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của cách mạng công nghiêp lần thứ tư.
 
Đại diện Microsoft cũng trình bày về những thách thức khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khẳng định vai trò của trí tuệ nhân tạo AI và các giải pháp học máy (machine learning) sẽ trở thành công cụ đắc lực, giúp tổ chức và doanh nghiệp vượt qua các thách thức và phát triển hiệu quả. 
 
"Trước ngưỡng cửa cuộc công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, nâng cao hiệu suất vận hành từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT", ông Phạm Trần Anh, đại diện Microsoft Việt Nam, chia sẻ.
 
 
Nguồn: vnexpress.net