TP.HCM quyết tâm xây dựng Thành phố thông minh

12/09/2016
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định như vậy tại phiên họp đầu tiên của Ban điều hành đề án đô thị thông minh, diễn ra chiều 9-9.


Ông Lê Thái Hỷ trình bày lộ trình xây dựng đề án TP thông minh - Ảnh: MAI HOA

Đến tháng 12 sẽ trình đề án

Tại buổi làm việc, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trình bày lộ trình xây dựng đề án này.

Theo đó, dự kiến đến khoảng 15-12 năm nay sẽ hoàn chỉnh đề án để UBND TP duyệt và công bố. Trong lộ trình đó, từ nay đến 15-10 sẽ tiến hành khảo sát lãnh đạo về định hướng phát triển đô thị thông minh TP.HCM với 3 câu hỏi về đánh giá hiện trạng các lĩnh vực của đô thị thông minh đáng chú trọng của TP; đánh giá về độ ưu tiên các mục tiêu mà đô thị thông minh TP.HCM cần đạt được; đánh giá về các nguyên tắc thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Ông Hỷ cho rằng, ngoài nội dung xây dựng chính quyền điện tử thì với đặc thù của TP.HCM, giao thông phải là lĩnh vực ưu tiên số 1. Còn sau đó là lĩnh vực môi trường hay y tế, ngập nước, an nình trật tự cần phải bàn thêm.

"Có những người có tư duy đột phá, chấp nhận khó khăn mới có thành quả như hôm nay. Cái gì chưa làm đã bàn lui là không được. Hãy xác định là phải làm, khó khăn tới đâu thì rút kinh nghiệm và kiên trì với nó. Đừng thấy nó lớn quá mà chùn bước”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
 
Đến ngày 21-11, đề án dự thảo lần 1 sẽ được đưa ra để người dân, hội đồng tư vấn, doanh nghiệp, các hội góp ý.

Theo ông Hỷ, đến cuối năm, khi đề án này được trình lên UBND TP thì người dân, chính quyền, các công ty công nghệ, tổ chức tài chính phải hiểu được quyền lợi, những việc mình cần làm cho TP thông minh.
 
Phần chính của Đề cương Đề án HCMC Smart City (2017-2020, tầm nhìn 2025) là phần Khung đô thị thông minh, với các vấn đề tổng quát lần lượt gồm: Chính quyền điện tử, Qui hoạch, Giao thông, Y tế và dịch vụ cho con người, An ninh công cộng, Nước và nước thải, Xây dựng, Môi trường (chất thải, không khí...; Năng lượng, Giáo dục đào tạo, Thanh toán và Tài chính, Nông nghiệp, Truyền thông…
Một số thành viên Ban điều hành bày tỏ băn khoăn về khoảng thời gian quá gấp, trong khi các công việc thì quá nhiều.

Bởi ngoài thực hiện theo lộ trình như trên, TP còn phải đồng thời triển khai các dự án, hạng mục theo quy định của nghị quyết 36, 36a, Quyết định 1819…;
kết nối liên thông 4 cấp, trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông, bệnh án điện tử, điện kế thông minh, kết nối camera, một số hạng mục trọng tâm về an
toàn thực phẩm, an ninh trật tự…

Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hội Tin học TP cho rằng, xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh là quá trình chuyển từ một đô thị thực sang một đô thị
thông minh có thực có ảo, có rất nhiều thách thức.

Theo ông Dũng, đây cũng là cuộc cách mạng về cơ chế, pháp lý, có những cái hiện nay đang tồn tại sẽ không còn phù hợp khi đưa lên không gian mạng.

Theo tài liệu cuộc họp, một đô thị quy mô không quá lớn ở Hàn Quốc mất tới 40 tỉ USD để trở thành một đô thị thông minh.

“Đặc thù của TP.HCM vẫn mang tính không đồng đều, phải chăng nên có bước thí điểm những mô hình từ nhỏ đến lớn, trong một sở ngành, không nên làm
một cái đồ sộ khi chưa chín muồi, sẽ có sự lãng phí”, ông Dũng nêu ý kiến. Theo ông, lộ trình đưa ra như trên là một khát vọng quá lớn…

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ góp ý, phải tuyên truyền sâu rộng trong dân về TP thông minh.

Theo ông Việt Dũng, thì có những ý tưởng, công nghệ rất hay nhưng không được đông đảo người dân ủng hộ nên thất bại. Do đó phải làm cho người dân hiểu về TP thông minh và tích cực tham gia xây dựng.

Không quyết tâm thì không có sản phẩm nào hết

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP nói, ba công việc cốt lõi là xây dựng trung tâm dữ liệu, nền công nghệ thông tin và công nghệ trong các lĩnh vực. Ông Tuyến cho biết, hiện trong các lĩnh vực có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp muốn trở thành đối tác của TP để xây dựng TP thông minh.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thường vụ Thành ủy đã chính thức đồng ý cho VNPT trên cơ sở kết hợp với Microsoft là đơn vị đối tác khung cho đề án này. Vì vậy, UBND TP sẽ có ký kết hợp tác với VNPT về công nghệ thông tin.

“Mục tiêu của đề án là để TP phát triển bền vững, đúng tiềm năng của TP. Các giải pháp công nghệ là để giải quyết những vấn đề bức xúc của TP. Nếu không quyết liệt thì không bao giờ có sản phẩm”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Tiếp nhận ý kiến góp ý của các thành viên ban điều hành đề án, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chia sẻ, thực tế của TP đang đòi hỏi phải ứng dụng các giải pháp của thành phố thông minh.

Đó là các ý tưởng thực tế để thực hiện 7 chương trình đột phá của TP. Ông yêu cầu lãnh đạo TP trước hết phải thống nhất tư tưởng, có sự quyết tâm.

Chủ tịch UBND TP dẫn ra nhiều câu chuyện: Nếu như không có sự quyết liệt của ông Nguyễn Thiện Nhân thì không có công viên phần mềm Quang Trung như bây giờ. Không có quyết tâm đột phá như ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) thì không có Khu công nghệ cao TP. 

Có những người có tư duy đột phá, chấp nhận khó khăn mới có thành quả như hôm nay. Cái gì chưa làm đã bàn lui là không được. Hãy xác định là phải làm, khó khăn tới đâu thì rút kinh nghiệm và kiên trì với nó. Đừng thấy nó lớn quá mà chùn bước”.

Đặt hàng Tuổi Trẻ lấy ý kiến người dân về TP thông minh

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân về xây dựng TP thông minh. Các ban ngành cũng cần chủ động đề xuất các ý kiến.

Ông Phong cho biết, những ý kiến người dân đặt hàng cho lãnh đạo TP thông qua báo Tuổi Trẻ, cũng như các kênh khác đã giúp ích rất nhiều cho bản thân ông trong quá trình lãnh đạo, điều hành công việc của TP.

Đối với đề án này, hiện nay việc truyền thông cho người dân hiểu về TP thông minh, lộ trình thực hiện, quyết tâm của lãnh đạo TP là rất cần thiết. “Báo Tuổi Trẻ trên trang của mình có thể hỏi ý kiến người dân về TP thông minh”, Chủ tịch UBND TP.HCM gợi ý.
 
 

Nguồn: tuoitre.vn