Công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo là mảnh đất màu mỡ với giá trị thị trường lớn lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu các linh kiện, máy móc, thiết bị, trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sáng 10/8/2016, Hội thảo Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo (CNHT và CKCT) được tổ chức với sự tham gia của ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cùng với đại diện các Bộ ngành, Sở KH&CN địa phương.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Ông Phan Xuân Dũng cho rằng, thực tế cho thấy, sự đóng góp của CNHT và CKCT cho ngành công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé, tỷ lệ nội địa hóa trong CKCT ô tô mới chỉ từ 5-20%, da giày dệt may khoảng 30%, công nghệ cao chế tạo từ 10-20%.
Mục đích của cuộc hội thảo là tìm ra nguyên nhân khiến cho CNHT và CKCT không phát triển mạnh mẽ, dù tiềm năng thị trường của ngành này ước tính khoảng 50 tỷ USD mỗi năm, đội ngũ nhân lực dồi dào được đào tạo cả trong và ngoài nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường quốc hội Phan Xuân Dũng hy vọng rằng, hội thảo sẽ đưa ra các định hướng để thúc đẩy sự phát triển của CNHT và CKCT
Ông Nguyễn Đình Hậu– Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng ngành CKCT, trong giai đoạn 2011-2025 nhu cầu về máy và thiết bị đã xấp xỉ 250 tỷ USD. Tuy nhiên năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, dự kiến trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị.
Trong khi đó, ở ngành CNHT, trong tổng số 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì doanh nghiệp CNHT chỉ chiếm 0,03%. Hầu hết các nguyên vật liệu cho CN chế tạo phụ tùng, thiết bị phụ trợ đều phải nhập khẩu.
Để ngành CNHT và CKCT phát triển đúng tiềm năng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hậu cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ có hiệu quả, trong đó ưu tiên chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để nâng cáo trình độ năng lực công nghệ quốc gia. Cùng với đó là việc đào tạo nhân lực để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ.
Đại diện Bộ KH&CN cũng đưa ra kiến nghị, cần có hành lang pháp lý thuận lợi để các chuyên gia, nhà nghiên cứu là người Việt Nam ở nước ngoài dễ dàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ về nước. Với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cần có cơ chế chính sách thỏa đáng để chủ động chuyển giao.
Bàn về định hướng phát triển trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng – Chủ nhiệm Chương trình KC.03/11-15 cho rằng: “KC03 được triển khai với mục đích để Việt Nam làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo và đưa ra thị trường sản phẩm cơ khí đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Để phát triển ngành này trong thời gian tới, quan trọng nhất là định hướng thị trường. Khi xây dựng chiến lược phát triển, ban chủ nhiệm Chương trình phải nghiên cứu quy hoạch chiến lược của từng ngành để biết họ sẽ phát triển cái gì mà xây dựng nhiệm vụ theo cái đó. Nếu xây dựng kế hoạch theo đề xuất của các nhà khoa học sẽ sinh ra kết quả như thời gian vừa rồi, sản phẩm có thay đổi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội”.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, Bộ KH&CN luôn nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành khác để phát triển ngành CNHT&CKCT
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng: “Việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xung quanh 2 lĩnh vực là CNHT và CKCT là lĩnh vực rất rộng lớn. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo rà soát và sẽ có định hướng phát triển trong giai đoạn tới. Những sự chỉ đạo đó sẽ được thể hiện bằng nhiều cách, bằng luật, hoặc sự điều chỉnh của văn bản dưới luật, hoặc sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tính nhất quan xuyên suốt vẫn sẽ được xem xét thận trọng”.
Đồng tình với kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, “nên có tư duy quản lý đi chung với tư duy doanh nghiệp. Nhu cầu thực tế phát triển đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, và chúng ta có điều kiện, dư địa để thực hiện và thúc đẩy ngành này phát triển. Bởi thời gian qua, chỉ riêng nhập khẩu cơ khí chế tạo, Việt Nam đã phải chi ra tới 27 tỷ USD”.
“Với Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025, 11 gói công trình đã được giao cho các nhà thầu là người Việt Nam. Thời gian qua, các nhà thầu này đã làm và chứng minh được hiệu quả. Vì thế hiện nay, những công trình lớn, cái gì sản xuất được trong nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngọc Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng trình bày về kết quả của Chương trình KC.03/11-15
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN