Do ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, nhiều doanh nghiệp dệt may phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu. Trong ảnh: Một xưởng may của Công ty may Thái Dương, quận 12.
TP Hồ Chí Minh đã có những ưu đãi cụ thể để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ lĩnh vực công nghiệp. Trong tương lai gần, thành phố sẽ chủ động hơn trong định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng và đẩy mạnh phát triển công nghiệp một cách toàn diện, bền vững.
Quyết tâm phát triển CNHT
Nhiều năm qua, ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và đóng góp hơn 30% giá trị xuất khẩu công nghiệp cả nước, góp phần quan trọng đưa thành phố trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Thế nhưng, riêng ngành CNHT của thành phố lại “ốm yếu” và phát triển rất chậm.
Thống kê từ Sở Công thương thành phố cho thấy, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ nội hóa các sản phẩm công nghiệp chỉ đạt gần 30%, trong khi mỗi năm, TP Hồ Chí Minh phải chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, linh kiện... phục vụ các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là nhân tố cơ bản kéo lùi sự phát triển đồng bộ của TP Hồ Chí Minh, đồng thời cảnh báo thế bấp bênh của nền kinh tế do bị phụ thuộc.
Dù đã khá muộn, nhưng việc UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định hỗ trợ DN đầu tư, phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và CNHT thuộc bốn ngành trọng yếu gồm: Cơ khí; hóa chất nhựa, cao-su; chế biến lương thực thực phẩm; điện tử - công nghệ thông tin và hai ngành truyền thống là: dệt - may; da - giày là hướng đi đúng. Theo đó, DN thuộc các lĩnh vực này khi đầu tư vào ngành CNHT sẽ được hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, nhà xưởng..., điều này cho thấy sự quyết tâm của TP Hồ Chí Minh nhằm vực dậy ngành CNHT là mang tính căn cơ, lâu dài.
Theo phân tích của Sở Công thương thành phố, hiện nay, 95% số DN sản xuất CNHT tại TP Hồ Chí Minh thuộc dạng vừa và nhỏ, rất ít DN lớn, hoặc có tiềm năng đầu tư lớn. UBND thành phố đã chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) phải tiên phong trong lĩnh vực CNHT, tập trung xây dựng nhà máy thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí chính xác (tại Khu công nghệ cao), trở thành nhà máy hiện đại tại Việt Nam và có trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu khu vực, nhất là đối với sản phẩm nhựa, cao-su…
Đại diện CNS cũng thẳng thắn nhìn nhận sự liên kết giữa các công ty còn rời rạc, chưa phát huy hết nguồn lực và chưa hình thành chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Để khắc phục các điểm yếu này, tới đây, CNS sẽ hỗ trợ các công ty thành viên sản xuất khuôn mẫu nhựa, cao-su..., kể cả tài chính để bảo đảm ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra, tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm phát huy lợi thế và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. CNS cũng chú trọng quảng bá những tính năng ưu việt của sản phẩm công nghiệp công nghệ cao; tập trung sản xuất sản phẩm chủ lực để nâng giá trị thương mại; đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới sản phẩm…
Thành phố ủng hộ vai trò đầu tàu, góp phần phát triển công nghiệp chung, CNHT nói riêng, nhưng cần đầu tư mạnh hơn vào khoa học, công nghệ... UBND thành phố cũng thúc giục các DN, nhất là ngành cơ khí chế tạo khẩn trương đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất hàng hóa nhanh, số lượng lớn, giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp.
Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ
Để phát triển CNHT, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, vốn và đất đai, hai yếu tố cơ bản nhất, đang được thành phố tích cực tháo gỡ. Theo quyết định của UBND thành phố, các DN đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - CNHT trọng tâm thuộc các ngành trọng yếu và truyền thống, sẽ được hỗ trợ vay vốn 200 tỷ đồng/dự án với lãi suất ưu đãi. Mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế, nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân tại bốn ngân hàng thương mại: Vietinbank, BIDV, Agribank và Vietcombank.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Thọ Vượng, số tiền 200 tỷ đồng là mức vốn hỗ trợ tối đa cho một dự án, thời gian hỗ trợ không quá bảy năm. Trong đó, ngân sách hỗ trợ lãi suất 70% của vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% vốn công nghệ - thiết bị. Đối với những dự án vượt hạn mức nêu trên, UBND thành phố sẽ xem xét cụ thể và quyết định mức hỗ trợ để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào CNHT hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chính thức dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi để hỗ trợ các DN, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang, thiết bị hiện đại, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, thúc đẩy các ngành công nghiệp, CNHT phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các DN sản xuất sản phẩm CNHT, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm CNHT còn được TP Hồ Chí Minh miễn thuế thu nhập DN trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhà xưởng từ ba đến tám tầng tại Khu công nghệ cao, Khu chế xuất (KCX) Linh Trung, Tân Thuận, Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Đông Nam, trong đó xưởng nhỏ nhất có diện tích 100 m2, lớn nhất là 3.000 m2 để phù hợp với nhu cầu sản xuất nhỏ, vừa của DN. Theo Ban quản lý các KCX-KCN thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), ngoài mô hình này, Hepza còn dành hơn 200 ha đất tại KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân 3 để xây dựng khu chuyên ngành về CNHT với nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Trước đó, mô hình nhà xưởng xây sẵn đầu tiên của Khu kỹ nghệ Việt - Nhật với diện tích 13 ha tại KCN Hiệp Phước đã được các DN nhỏ và vừa, chủ yếu là DN Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT thuê để sản xuất.
Để ngành CNHT phát triển mạnh, bền vững, TP Hồ Chí Minh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành CNHT. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan của thành phố cần xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu của các DN làm CNHT, kể cả DN đầu tư nước ngoài để các DN dễ dàng liên kết, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cung ứng sản phẩm, thúc đẩy ngành CNHT của TP Hồ Chí Minh phát triển…
Nguồn: nhandan.com.vn