Tại buổi gặp gỡ đầu năm ngành CNTT - viễn thông TP.HCM, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, định hướng của chính quyền TP.HCM trong năm 2017 là tập trung thúc đẩy xã hội hóa với nhiều chương trình ứng dụng CNTT. Vì vậy TP.HCM kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi gặp gỡ
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, Sở thông tin và truyền thông TP.HCM đặt hàng các vấn đề của thành phố với các doanh nghiệp về các nội dung cải cách hành chính và xây dựng thành phố thông minh.Trong đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Sở thông tin và truyền thông TP.HCM sẽ đóng vai trò là đơn vị tư vấn, tham mưu, và trực tiếp soạn thảo đề án.
Phó giám đốc Sở thông tin và truyền thông TP.HCM Lê Quốc Cường cho hay, đề án sẽ bao gồm các nội dung về cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, giao thông, chống ngập, môi trường, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự xã hội... Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tiến hành xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng mô hình vận hành đô thị thông minh gắn với chính quyền đô thị; thực hiện chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia vận hành đô thị thông minh; nâng cao đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật và thu hút nhân tài. Đặc biệt, đề án này sẽ được thiết lập dựa theo định hướng phát triển nền tảng mở.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Cường, thì đề án phải đảm bảo 3 yếu tố:
Một là, không phụ thuộc vào nhà cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng phát triển các ứng dụng trên một nền tảng mở chung do TP.HCM xây dựng (trước đây, mỗi ứng dụng được các nhà phát triển trên một nền tảng khác nhau).
Hai là, thống nhất thiết kế. Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố xây dựng theo Công văn số 1178/BTTT-TTTH ngày 21/4/2017 của Bộ thông tin và truyền thông về ban hành khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam.
Ba là, đảm bảo liên thông kết nối. Trong đó, gồm: liên thông kết nối văn bản, chỉ đạo điều hành 4 cấp; liên thông tích hợp, chia sẻ kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, kinh tế, đô thị, môi trường...; liên thông cung cấp một cửa điện tử liên thông.
“Đề án sẽ sớm hoàn thành và công bố công khai các chuẩn này trong thời gian tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị các doanh nghiệp hãy đề xuất các giải pháp về tài chính, nhưng chú trọng huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách nhà nước, như hợp tác công tư (PPP), nguồn tài trợ (ODA), viện trợ không hoàn lại...
Nói về vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, nhấn mạnh: “Thành phố có nhu cầu, doanh nghiệp có khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, phương thức hợp tác và phương thức thanh toán cũng là vấn đề quan trọng cần quán triệt rõ ràng khi thành phố hợp tác với doanh nghiệp để triển khai giải pháp”.
Đã có gần 300 đại biểu đến từ các bộ ngành trung ương, địa phương, các sở - ban - ngành, quận - huyện, các doanh nghiệp tham dự buổi gặp gỡ đầu năm ngành CNTT-VT TP.HCM. Sự kiện này do UBND TP.HCM, Sở thông tin và truyền thông TP.HCM, Hội tin học TP.HCM (HCA) và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức.
Một số giải pháp
Tại buổi gặp gỡ đầu năm này, một số doanh nghiệp đã thẳng thắn đóng góp ý kiến và đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm góp phần cải cách hành chính và xây dựng thành phố thông minh mà TP.HCM đề ra.
Theo đại diện của Công ty Nhã Thành, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp chưa cao, do bị rào cản về chi phí và nhận thức trong quản lý kinh doanh chưa cao. Hiện nay, nhiều phần mềm đã chuyển từ hình thức bán bản quyền trọn gói với chi phí khá cao thì nay đã chuyển sang mô hình cho thuê dịch vụ với chi phí thấp hơn nhiều. Chính việc chuyển đổi hình thức cung cấp phần mềm này đã giúp nhiều doanh nghiệp ứng dụng tốt CNTT. Khi ứng dụng CNTT, các doanh nghiệp cũng gặp phải bài toán về an toàn - an ninh thông tin, chống rò rỉ thông tin kinh doanh.
Nhận định chủ quan của đại diện Công ty Nhã Thành cho hay, nhờ ứng dụng CNTT, các sở - ban - ngành của TP.HCM đã có những đổi mới tích cực, nhưng cần ứng dụng nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp này đơn cử trong quy trình xử lý thông tin cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải khai báo nhiều lần một thông tin, có nhiều giấy tờ không thật cần thiết.
Hiện nay, vấn đề số hóa tài liệu tại TP.HCM chưa được thực hiện ở tất cả các quận huyện. Đề cập về vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở thông tin và truyền thông TP.HCM có văn bản yêu cầu các quận huyện và các sở - ban - ngành số hóa hết các tài liệu. Số hóa tài liệu cũng là một trong số các sản phẩm mà TP.HCM sẽ đặt hàng doanh nghiệp.
Ngay tại buổi gặp gỡ, đại diện Công ty FSI trình bày về giải pháp số hóa tài liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu tập trung và làm nền tảng phục vụ cho Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Giải pháp OCR của FSI được giới thiệu là nhận dạng văn bản tiếng Việt không thua kém gì các giải pháp của nước ngoài.
Tại đây, đại diện Công ty CMC SISG đã trình bày về ý tưởng xây dựng nhà kho dữ liệu tập trung cấp thành phố, xuất phát từ mô hình thành phố thông minh của các nước. Theo đó, giải pháp này sẽ hướng đến việc thiết kế một mô hình cấu trúc dữ liệu để lấy dữ liệu từ các sở - ban - ngành, để dễ dàng cung cấp thông tin cho người dân, các bộ - ngành, đối tác; hay cung cấp cho dự án Chính phủ điện tử, cũng như các dịch vụ điện tử...
Hướng đến giải pháp quản lý tối ưu việc thu gom rác thải tại TP.HCM, ông Phí Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty P.A.T, đề xuất áp dụng số hóa toàn bộ các khâu trong quản lý thu gom - vận chuyển và phân tích rác tại các công ty công ích của các quận huyện thuộc TP.HCM. Ông Tuấn phân tích, thành phố hiện nay mỗi ngày vận chuyển khoảng 8.000 tấn rác, các khâu thu gom rác, quản lý thu phí, quản lý vận chuyển rác đến nơi xử lý rác hiện chủ yếu làm thủ công tại các công ty công ích trực thuộc UBND quận, chưa sử dụng được nguồn dữ liệu để có thể tận dụng vào việc phân tích dữ liệu để hoạch định tầm vĩ mô cho công tác xử lý rác như đầu tư nhà máy, trang thiết bị vận chuyển rác... Trong khi đó, theo ông Tuấn, trên thị trường hiện đã sẵn sàng các giải pháp cho việc số hóa toàn bộ quy trình này, thậm chí là theo thời gian thực, tính luôn được công suất rác của từng khu vực, lượng rác tăng theo mùa...
Các giải pháp ứng dụng công nghệ máy bay không người lái trong thành phố thông minh (của VNIT Alliance), giải pháp giám sát lưu lượng giao thông (Công ty DSS); hệ thống quản lý xử lý chất thải thông minh (VNPT)... trình bày tại buổi gặp gỡ cũng đã nhận được đánh giá cao của lãnh đạo TP.HCM.
Nguồn: khoahocphothong.com.vn