Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết, đơn vị đã triển khai thi công 32 công trình uPVC với chiều dài gần 35 km trên địa bàn thành phố. Trong đó, quận Bình Thạnh có 3/3 công trình, quận 12 là 14/14 công trình, quận Thủ Đức có 6/6 công trình và huyện Củ Chi có 9/9 công trình. Đến nay đã cơ bản hoàn thành 26/32 công trình (88%), dự kiến đến cuối tháng 12-2015 sẽ hoàn thành các công trình còn lại và chuẩn bị tiếp tục thi công xây dựng 13 công trình uPVC với chiều dài gần 10km trên địa bàn TP dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Ông Võ Văn Ngọc (ngụ phường 28, quận Bình Thạnh) bên công trình bờ bao cừ bản nhựa uPVC
Trước đó, CNS đã thi công hoàn thành 2 công trình thí điểm uPVC tại rạch Gò Dưa và rạch Cầu Ngang với chiều dài hơn 300m và nghiệm thu bàn giao cho quận Thủ Đức. Vào năm 2013, CNS cũng đã đưa vào sử dụng công trình uPVC rạch Nhà Nuôi cho quận 12 với chiều dài 280m, công trình uPVC kè bờ hồ lớn khu A thuộc dự án Công viên văn hóa Đầm Sen với chiều dài gần 600 m, chuẩn bị thi công tiếp 360m còn lại trong tháng 12-2015 này. Đến nay theo đánh giá của các chuyên gia, công trình vẫn hoạt động tốt, chống triều cường ngập nước hiệu quả.
Ngoài ra, CNS đã liên hệ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu… và chuẩn bị đầu tư thí điểm 50m dài tuyến uPVC tại huyện Cái Bè, Tiền Giang vào cuối tháng 12-2015.
Được biết, từ năm 2008, CNS đã tiến hành nghiên cứu đầu tư sản xuất cọc vách nhựa uPVC với công nghệ của châu Âu để ngăn chặn sạt lở, triều cường, vỡ bờ bao, ngập úng. Đây là mô hình chống triều cường, sạt lở, chống ngập úng được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng do có nhiều ưu điểm: thời gian thi công nhanh, vật liệu uPVC vừa nhẹ lại bền vững với môi trường, chịu được phèn mặn, hóa chất, nước biển, nước ô nhiễm. Vật liệu bền chắc đến trên 50 năm giúp các công trình bờ bao uPVC không phải tốn chi phí duy tu, gia cố hàng năm như các phương pháp truyền thống (bờ bao bằng đất đắp cừ tràm, bê tông tường xây). Các công trình luôn đảm bảo có độ mỹ quan cao, góp phần chỉnh trang đô thị.
Nguồn: SGGPO