Chỉ sợi cao su VRG SADO đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

26/12/2015
CSVN – Chỉ sợi cao su VRG SADO đã chính thức bước ra thị trường trong nước và quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp cao su của VRG. Nhu cầu lớn cùng với các hiệp định kinh tế được ký kết sẽ là cơ hội cho VRG SADO từng bước thâm nhập và đứng vững trên thị trường.

 


Công nhân đóng gói sản phẩm chỉ sợi cao su VRG SADO

Đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả

Nhu cầu tiêu thụ chỉ sợi cao su phục vụ ngành dệt may, giày da, y tế, thực phẩm… trên toàn cầu là rất lớn trong 6 năm qua. Năm 2010 là 175.800 tấn, năm 2011: 198.800 tấn, năm 2012: 213.900 tấn, năm 2013: 228.500 tấn, năm 2014: 247.400 tấn, năm 2015: 249.500 tấn.

Dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Đây là một trong những cơ hội tốt để Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG SADO thâm nhập thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (VEAEUFTA), Cộng đồng kinh tế Châu Á (AEC) sẽ là cơ hội tốt cho VRG SADO từng bước phát triển thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, có 14 công ty chỉ sợi cao su chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, trong đó Thái Lan có 5 công ty là Thai Rubber Thread Corp, Longtex Rubber Industry, Thai Filatex Public Company, HV Fila, Rondex Thailand), Ấn Độ có 4 công ty: Rubfila International, Fintex, Abhisa Buildweel, Filatex VCT, Trung Quốc 3 công ty gồm Guandong Gouxing, Hianan Rubber Theard Group, Anhui Carsem Latex Silk và Malaysia 2 công ty: Rubberflex, Heveafil. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2015 là 249.500 tấn. Đứng đầu là Rubberflex với sản lượng 60.000 tấn, thứ hai là Longtex Rubber Industry với sản lượng 20.000 tấn và thứ ba là Rubfila International với sản lượng 17.000 tấn.

“So với sản phẩm của 14 công ty trên, Chỉ sợi cao su của VRG SADO vừa trắng sáng, vừa mềm mại dẻo dai. Đồng thời, các thông số kỹ thuật đo đạc tại các phòng thí nghiệm liên quan đến chất lượng chỉ sợi do công ty sản xuất cũng đều đạt cao hơn so với các tiêu chuẩn chỉ sợi của Thái Lan và Malaysia đang bán trên thị trường thế giới. VRG SADO sẽ cung ứng những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng và giá cả cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Chất lượng sản phẩm của VRG SADO đủ sức cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành” – ông Võ Minh Hồng – Phó TGĐ phụ trách kinh doanh của Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG
SADO, cho biết.

Ưu tiên cho thị trường trong nước

Do đầu tư công nghệ hiện đại Châu Âu, chuyển giao trực tiếp từ Ý, nên sản phẩm chỉ sợi của SADO đã ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu sản phẩm đến năm 2020. Sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nuớc ngoài như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Tunisia, Angeria, Maroc, Mexico, Hồng Kông, Hàn Quốc… Cụ thể là các hợp đồng dài hạn với Công ty Equipment & Products – International
Trading & Consulting S.L.R của Ý, năm 2015 là 1.500 tấn, năm 2016 là 3.000 tấn, năm 2017 là 4.500 tấn, năm 2018 là 6.000 tấn…

Ông Nguyễn Văn Thọ – TGĐ Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG SADO, khẳng định: “Trong những năm gần đây, Việt Nam phải nhập hơn 90% chỉ sợi cao su từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia phục vụ ngành dệt may, giày da, y tế, thực phẩm… Trong thời gian qua, có 4 doanh nghiệp trong nước đã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm của công ty với số lượng gần 1.500 tấn/năm.

Chúng tôi sẽ ưu tiên cho các đơn hàng trong nước, góp phần giảm tỷ lệ nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong ngành công nghiệp dệt may, da giày”.

Chỉ sợi Cao su VRG SADO là dấu ấn mới của ngành cao su, không những góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, gia tăng giá trị công nghiệp cho sản phẩm cao su thiên nhiên mà còn giảm tỷ lệ nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong ngành công nghiệp dệt may, da giày.

(Nguồn tapchicaosu.vn - Ngọc Cẩm)