Từ ngày 1-1-2016, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, sẽ nhận được hỗ trợ đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ hoặc tối đa đến 50% kinh phí đối với các dự án sản xuất thử nghiệm… Cùng với các ưu đãi khác trước đây như tín dụng, thuế suất, đây được coi là những “cú hích” quan trọng để phát triển CNHT tại Việt Nam nói chung và TPHCM riêng.
Khu công nghệ cao TPHCM trao giấy phép đầu tư cho Dự án sản xuất bộ trao đổi nhiệt của Công ty TNHH Daihan ClimateControl,
một trong 5 dự án cung ứng thiết bị cho Tổ hợp nhà máy SamSung, vừa được cấp phép vào SHTP
Nỗ lực phát triển
Theo Sở Công thương TPHCM, thời gian qua, những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực CNHT đã được bộc lộ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nói trên xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNHT. Vì lẽ đó, thời gian qua, TPHCM đã tiên phong mở ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và Khu công nghệ cao giai đoạn 2015-2018 là một ví dụ. Mô hình này được thực hiện tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Đông Nam, các khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung và Khu công nghệ cao TPHCM.
Hiện nay, Khu công nghiệp Hiệp Phước là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện khi dành diện tích đất xây dựng 6.000m2, đầu tư 1 khối nhà xưởng, gồm 1 trệt và 5 lầu. Cùng với đó, Khu kỹ nghệ Việt Nhật (chuyên dành thu hút các doanh nghiệp CNHT của Nhật Bản) có tổng mức đầu tư 31 triệu USD đã hoàn thành giai đoạn 1 và đã cho thuê hơn 14.000m2 nhà xưởng. Ngoài ra, khoảng 200ha khác của dự án Khu công nghiệp hỗ trợ 2 sẽ được phân ra các lô đất 1.000m2 cho những doanh nghiệp chỉ cần diện tích nhỏ.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), hiện khu đã dành hơn 13ha để xây dựng nhà xưởng cao tầng, thu hút các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực CNHT, đang nắm giữ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Từ đầu năm đến nay, riêng chuỗi cung ứng cho nhà máy Samsung, SHTP đã cấp phép cho 5 dự án với tổng giá trị trên 300 triệu USD. Hiện nay, còn khoảng 10 dự án khác đang chờ được cấp phép. Đối với các dự án tại đây, SHTP cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình đã cam kết với chủ đầu tư, từ giao đất đến các thủ tục xây dựng, giấy phép kinh doanh, đánh giá tác động môi trường…, để các chủ đầu tư bắt tay ngay vào xây dựng.
Thuận lợi hơn khi hiện nay, TPHCM đã đưa CNHT vào nhóm đối tượng được hỗ trợ bởi chương trình kích cầu. Nhiều sản phẩm CNHT thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su) và 2 ngành truyền thống là dệt may và giày da đều được hưởng ưu đãi lãi 100% vay đầu tư. TPHCM cũng chủ động thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, đây được coi là đầu mối tập trung mọi giải pháp để tạo động lực cho ngành CNHT phát triển.
Phải chờ đợi
Các chuyên gia quốc tế đánh giá, ngành CNHT của chúng ta hiện dừng lại ở mức “thô”, chủ yếu nhập khẩu máy móc, công nghệ rồi gia công để cung ứng sản phẩm. Việc hình thành cơ chế chính sách chỉ là bước khởi đầu. Để ngành CNHT của Việt Nam phát triển bền vững phải có điểm trụ, trước tiên phải có sự đầu tư về nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Theo ông Lê Hoài Quốc, CNHT không phải muốn là có ngay, cần phải có lộ trình hết sức cụ thể, thông qua thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, hình thành chuỗi cung ứng linh - phụ kiện cho doanh nghiệp sản xuất lớn. Chẳng hạn như linh kiện anten cho điện thoại. Khu Công nghệ cao đã giới thiệu một doanh nghiệp trong nước đang phát triển sản phẩm này trở thành nhà cung cấp cấp 2 và phát triển sản phẩm dưới sự giám sát của bên thứ ba. Sau 3 - 5 năm, khi sản phẩm đủ tốt, doanh nghiệp đủ cứng cáp thì lúc đó doanh nghiệp này có thể cung ứng trực tiếp cho SamSung.
Chúng ta không thể kỳ vọng sớm bởi không dễ dàng để một doanh nghiệp trong nước có thể cung ứng được ngay sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất lớn như SamSung hay Intel. Chỉ một lỗi nhỏ trên linh kiện cũng sẽ buộc nhà sản xuất phải thu hồi hàng vạn đến hàng triệu sản phẩm, lúc đó thiệt hại không chỉ dừng lại ở hàng triệu USD mà còn là uy tín của một thương hiệu. Do đó, họ nghiêm ngặt trong chọn lựa các doanh nghiệp cung ứng thiết bị là đúng.
Nhưng với lộ trình nội địa hóa mà các doanh nghiệp sản xuất đã cam kết, chúng ta cũng phải có kế hoạch thật cụ thể để hai bên cùng thực thi. Ông Quốc cho rằng, có thể chúng ta phải chủ động để giới thiệu cho họ những công nghệ nào cần chuyển giao, doanh nghiệp nào đáp ứng được… Từ đó, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chen chân vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp toàn cầu.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về chi phí, kinh phí, những dự án sản xuất sản phẩm CNHT còn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường... Chính sách được kỳ vọng sẽ giúp cởi bỏ được nút thắt, giúp doanh nghiệp đầu tư hơn cho hoạt động nghiên cứu phát triển.
TƯỜNG HÂN (Báo SGGP)