Công nghiệp phụ trợ: Samsung Việt Nam nhập túi bóng từ Trung Quốc

16/07/2015

(Tin tổng hợp) Qua 6 năm hoạt động tại Việt Nam, hãng chưa tìm được đối tác trong nước phù hợp có thể vì không đáp ứng sản lượng hoặc giá thành.


Tờ VnExpess dẫn thông tin một công ty 100% vốn Hàn Quốc sản xuất sạc, dây cáp cho Samsung đã tiết lộ điều này khi nói về mong muốn tìm nhà cung cấp trong nước để hoàn thiện sản phẩm của mình.

Theo đó vị này cho biết mỗi tháng phải giao hàng chục triệu sản phẩm cho Samsung, nhưng hiện vẫn phải đi nhập tem, túi bóng từ doanh nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc để giao thành phụ kiện hoàn chỉnh.

Doanh nghiệp Việt cũng có thể làm được nhưng nhiều đơn vị chúng tôi đã gặp có thể giá đắt hơn hoặc không đảm bảo được số lượng vài triệu sản phẩm một tháng", vị này nói.

Đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, năm nay Samsung tiếp tục tổ chức triển lãm - hội thảo công nghiệp hỗ trợ để tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nội địa tiềm năng.

"Năm ngoái, tổng doanh số mua hàng của Samsung từ các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 35 triệu USD, năm nay dự kiến tăng 30% lên 45 triệu USD", Giám đốc Bộ phận mua hàng Jang Ho Young cho biết.



Dù Samsung có vốn đầu tư vào Việt Nam rất cao nhưng số doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị này rất khiêm tốn

Tuy nhiên, chặng đường để doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp cho ông lớn này sau các cuộc hẹn vẫn còn rất dài. Theo ông Jang, hiện mới có 32 doanh nghiệp Việt Nam là đối tác của Samsung, bao gồm 4 nhà cung ứng trực tiếp (cấp I) và 28 đơn vị (cấp II). Dự kiến con số này sẽ nâng lên 41 sau khi 9 doanh nghiệp mới được xét duyệt xong hồ sơ.

Thế nhưng: "Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia được vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất còn hạn chế", thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo đại diện Samsung, để trở thành nhà cung ứng cho hãng, doanh nghiệp phải đặc biệt lưu tâm các vấn đề về công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, giao hàng, giá, môi trường, tài chính và luật.

Một nhà cung cấp cấp một khác cho biết Samsung đề ra thang điểm cho các doanh nghiệp muốn trở thành đối tác, bao gồm chất lượng nhà xưởng, thời gian giao hàng... nếu đạt được 80% thì mới ký hợp đồng.

Chính từ những yêu cầu này nên doanh nghiệp Việt đa số 'bó tay' lắc đầu.

Lý giải nguyên nhân, PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng một nền sản xuất muốn tham gia vào bất cứ cuộc chơi nào đều phải có đủ năng lực. Khi chúng ta không lo đầu tư thì không thể sản xuất được là chuyện đương nhiên.

Điều rõ ràng là các doanh nghiệp tham gia sản xuất của chúng ta còn kém cộng với hệ thống hỗ trợ giúp cho sự phát triển này lại không có. Trong khi đó với Samsung chúng ta mở cửa, đưa vào các trình độ cao nhưng từ trước tới nay với các dạng mặt hàng tương tự thì, chúng ta chỉ làm một vài khâu nhưng chỉ lắp ráp là chủ yếu còn lại họ đã làm sẵn hết rồi. Thành ra bây giờ khi cần đến đều bỡ ngỡ, thấy trong tay không có gì.

"Từ trước tới này chúng ta chỉ gia công là chủ yếu nên nền kinh tế của chúng ta rất ít hoặc có thể nói là không có khi nhập sản phẩm trình độ cao. Khi hợp tác hoặc các nền kinh tế khác gia nhập vào chúng ta không có đủ điều kiện để học hỏi và tham gia vào các chuỗi sản xuất các sản phẩm trung gian.

Điều này cho thấy nền kinh tế của chúng ta thể hiện sự què quặt, trình độ phát triển thấp. Cho nên khi chúng ta hợp tác với các nền kinh tế khác hiện đại hơn rõ ràng càng thể hiện sự yếu kém khi chúng ta không thỏa mãn được các yêu cầu mà cuộc chơi đưa ra", PGS Lê Cao Đoàn nói.

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cũng cho rằng: Samsung sử dụng toàn bộ dây chuyền tự động. Theo đó nếu làm linh kiện cho Samsung thì cũng sẽ phải đầu tư công nghệ.

"Nay ngay lập tức chúng ta chưa làm  được cũng là đúng vì từ trước đến nay chúng ta chưa có doanh nghiệp nào làm cho điện thoại di động hay laptop. Bây giờ mới bắt đầu kết nối với Samsung nên không đáp ứng được cũng là dễ hiểu", ông Mại nói.

(Theo báo Đất Việt)