Hàng loạt hội nghị, hội thảo được tổ chức gần đây chỉ để trả lời câu hỏi: “Với TPP, các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh?”
Hiệp định TPP chưa được trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 3 này, song công tác chuẩn bị đang được tiến hành tích cực để cơ quan lập pháp có thể thông qua ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Doanh nghiệp Việt Nam dĩ nhiên cũng cần tăng tốc chuẩn bị.
Mặt hàng gì, thị trường nào?
Hãy quan sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – đó là lời khuyên của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Không phải ngẫu nhiên mà tỷ trọng vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp chế biến – chế tạo luôn chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
Ông Hải phân tích: “Xét riêng hoạt động thương mại quốc tế của nước ta, năm 2015, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một số ngành xuất khẩu lớn đóng vai trò chủ đạo như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải nhiều năm qua có sự tăng trưởng đều và khá cao”.
Vẫn theo ông Hải, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78 – 95% số dòng thuế và các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 – 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 – 5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Hướng đến thị trường mục tiêu nào là một câu hỏi không kém phần quan trọng khác cũng đã được chuyên gia này giải đáp. Theo ông, trong TPP, 2 thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 1.800 tỷ USD với đầy đủ các chủng loại hàng hóa thuộc phẩm cấp khác nhau, có sức mua cao, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác.
Chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương – cho biết, bên cạnh dệt may và giày dép – hai ngành hàng có khả năng đạt được lợi ích lớn nhất, việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của nước này (và nhiều nước khác như Nhật Bản, Canada…). Đây là một lợi thế lớn so với doanh nghiệp của nhiều nước cạnh tranh với Việt Nam. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng chi tiêu mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10 – 12 tỷ USD; hoàn toàn có thể là một kênh tiêu thụ lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Xếp ngay sau Hoa Kỳ về độ hấp dẫn, Nhật Bản cũng luôn là thị trường thương mại quan trọng, chiếm tới 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.
Bên cạnh đó, theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Việt Nam cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này chưa thực sự lớn do khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp của nước ta đã nỗ lực vươn ra một số thị trường TPP (như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư tại Peru), tạo “bàn đạp” thâm nhập vào khu vực Trung và Nam Mỹ…
Nỗ lực không của riêng ai
Do đó, nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ.
Theo ông Trần Thanh Hải, đồng thời với những nỗ lực của nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc chủ động tận dụng tốt các lợi thế, thuận lợi của quá trình hội nhập để tham gia sâu vào phân công lao động quốc tế, chuỗi sản xuất của nhiều loại mặt hàng khác nhau; chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường, các chính sách quản lý nhập khẩu của các nước để tránh thiệt hại do bị kiện phòng vệ thương mại. “Không thể chần chừ hơn nữa, giờ là lúc doanh nghiệp nên mạnh tay đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nâng trình độ gia công lên những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao hơn”, ông Tuấn thúc giục. Đặc biệt, việc cử cán bộ có trách nhiệm tham gia các chương trình tập huấn về vấn đề phòng vệ thương mại để tận dụng lợi ích từ các hiệp định và tự bảo vệ khỏi các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước cũng là một khuyến nghị mạnh mẽ từ các chuyên gia về vấn đề này.
Cam kết của Hoa Kỳ
Các mặt hàng công nghiệp (trừ dệt may):
85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.
Thủy sản: Xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).
Giày dép: 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế có kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40% – 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 12.
Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện: Xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5).
Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau, tối đa vào năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Điện, điện tử: khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10.
Dệt may:
– 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD).
– Thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 5.
– Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35 – 50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Cam kết của Nhật Bản
Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.
Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của VN được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ…. Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Giày dép: 79,5% kim ngạch sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16.
– Vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.
Dệt may: 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.
Nguồn: Hiệp hội Cao su Việt Nam