Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, thách thức thì trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của mình, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn tiếp tục đầu tư trang bị máy móc hiện đại để thực hiện các dự án sản xuất ra các dòng sản phẩm góp phần đưa ngành công nghiệp thành phố tăng trưởng chiều sâu. Trong số đó, có những dự án đang trong quá trình thực hiện thủ tục như dự án sản xuất chip điện tử; dự án cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, có những dự án máy móc đã sẵn sàng chỉ đợi ngày “ấn nút” cho ra đời sản phẩm.
1. Dự án sản xuất cọc vách nhựa uPVC (công nghệ chống sạt lở bờ đang được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng). Dự án có năng suất 550 kg thành phẩm/giờ, sản xuất các tấm nhựa uPVC sử dụng làm tường che chắn bờ bao thay thế cho tường ngăn bằng bê tông cốt thép, cừ tràm, đất hoặc bao cát cho các công trình chấng ngập của thành phố với ưu điểm là thời gian thi công nhanh, độ bền cao, giá thành thấp … Ngoài ra, dây chuyền còn có thể sản xuất profile cửa, hàng rào, máng xối, ống cấp thoát nước, các profile có hình dạnh theo yêu cầu với nhiều khoang rỗng bên trong, các sản phẩm nhựa gỗ … cung cấp cho ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Ưu điểm của cọc vách nhựa uPVC là không bị rỉ sét, chịu được nước phèn mặn, không bị xâm hại bởi các loại sâu bọ, nước không thể xâm thực, dễ gia công cắt sửa, nhẹ hơn thép và bê tông nên có thể thi công nhanh, thời gian sử dụng công trình lâu hơn vì cọc vách nhựa uPVC có tuổi thọ 50 năm. Có thể kết nối cao hơn trong trường hợp đỉnh triều hoặc mực nước biển dâng cao.
Nhà máy sẽ được xây dựng trong KCN Hiệp Phước. Tổng mức đầu tư của dự án 287.934 triệu đồng (trong đó, vốn cố định 252.834 triệu đồng; vốn lưu động 35.100 triệu đồng). Hiện CNS đang nhập máy móc về và dự kiến đi vào sản xuất vào đầu năm 2012.
2. Cuối năm 2011, quạt điện LIDICO – thương hiệu nổi tiếng một thời – sẽ trở lại thị trường do Nhà sản xuất – Nhà máy Cơ khí CNS (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) sản xuất. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ trước, quạt điện LIDICO được người tiêu dùng tín nhiệm bởi độ bền của nó, thì nay, sử trở lại của quạt điện LIDICO cũng không ngoại trừ tính năng căn bản này. Tuy nhiên, không tự mãn, nhà sản xuất đã bỏ nhiều công sức, tâm trí, thời gian và chi phí để đầu tư cho ra đời sản phẩm quạt điện hoàn hảo với phương châm: lấy chất lượng sản phẩm làm thước đo sự hài lòng của người tiêu dùng. Bằng chứng là nhà sản xuất tập trung nguồn lực đầu tư dây chuyền sản xuất chỉnh chu có giá trị hàng chục tỷ đồng. Đây chính là điểm mạnh để quạt điện LIDICO cạnh tranh được trên thị trường vì đa phần quạt điện đang có mặt trên thị trường hiện nay đều gia công, lắp ráp, trong đó có những linh kiện không rõ nguồn gốc. Đối với quạt điện, động cơ là yếu tố quan trọng số một vì nó quyết định độ bền của quạt. Nhà máy Cơ khí CNS sản xuất động cơ quạt trên một dây chuyền sản xuất hiện đại với tính năng cực êm, cực mạnh và siêu bền nên với chất lượng cũng như công tác bảo hành thì khách hàng hoàn toàn yên tâm. Doanh nghiệp này cũng có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000 từ năm 2005. Ngoài ra, thương hiệu LIDICO đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực đến cuối năm 2016.
Quạt điện LIDICO đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc với kiểu dáng sang trọng, đạt thẩm mỹ cao gồm các loại quạt: quạt bàn, quạt lửng, quạt đứng, quạt treo, quạt thông gió, quạt đảo trần và quạt trần. Các loại quạt đứng, lửng, treo đều được lắp đặt động cơ Ø46 phù hợp, đạt hiệu suất năng lượng cấp 5 (động cơ tiết kiệm điện ở cấp cao nhất) do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm định. Công suất quạt: 47÷51 watt, tốc độ 1220÷1280 vòng/phút (tùy loại chuyển hướng cơ hay chuyển hướng điện). Đặc biệt, các linh kiện nhựa có độ chính xác cao nên dễ lắp ráp với năng suất cao, thân quạt đảm bảo độ cứng, vững khi quay. Sản phẩm rất an toàn trong sử dụng vì đang được đăng ký cấp bảo vệ chống điện giật cấp 2 do QUACERT 3 chứng nhận. Một đặc điểm quan trọng đối với quạt điện LIDICO chính là việc ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện sẽ giúp lồng quạt chống rỉ sét theo thời gian.
3. Nhà máy Sản xuất ván MDF Sahabak giai đoạn 2 (giai đoạn 1 được khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gỗ ván thanh có tổng vốn đầu tư 34,5 tỷ đồng, công suất 3.000 m
3 sản phẩm trên năm) do công ty CP Sahabak đầu tư (được sáng lập bởi 4 cổ đông: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS); Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương). Các dự án mà công ty triển khai gồm xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván thanh và nhà máy sản xuất ván gỗ MDF. Ở giai đoạn 1, tính đến ngày 31-8-2011, nhà máy đã sử dụng hết 6.100 m3 gỗ nguyên liệu, sản xuất được 3.300 phôi sơ chế, chế biến được khoảng 500 m
3 gỗ thành phẩm với chất lượng đạt yêu cầu của thị trường.
Nhà máy Sản xuất ván MDF Sahabak (giai đoạn 2) dự kiến đưa vào vận hành chạy thử vào quý III năm 2013. Nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất ván gỗ MDF tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay là công nghệ ép liên tực. Nhà máy có công suất 108.000 m3 ván MDF/năm. Nguyên liệu sử dụng 200.000 m3 gỗ/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.140 tỷ đồng. Ván gỗ MDF mang đến nhiều đặc tính ưu việt như: do bề mặt rất nhẵn nên có độ bám sơn, vecni cao; có thể sơn nhiều màu, tạo sự đa dạng về màu sắc; dễ tạo dáng cho sản phẩm; dễ gia công; cách âm, cách nhiệt tốt; không bị đàn hồi hay co ngót; ván có kích cỡ linh hoạt … Ván gỗ MDF được sử dụng nhiều trong sản xuất bàn, tủ, đồ nội thất văn phòng.
Với dự án này, các cổ đông sáng lập mong muốn đưa ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tăng trưởng chiều sâu, sản phẩm sản xuất ra phục vụ nhu cầu trong nước tiến đến xuất khẩu. Sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, xuất khẩu nước ngoài thu ngoại tệ về cho đất nước.
PHẠM – MAI – ANH
Theo SGGP Online