Tăng cường giao lưu kết hợp tìm hiểu di tích lịch sử cho các cán bộ, đảng viên góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

26/09/2024


Tập thể 3 chi bộ chụp hình lưu niệm tại Tượng đài A42 Sân bay Biên Hòa
Ngày 25/9, Chi bộ Phòng Bảo hộ lao động – Môi trường phối hợp với Chi bộ Phòng Tổ chức lao động - tiền lương và Chi bộ Phòng Kế hoạch - Kinh doanh thuộc Đảng bộ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) tổ chức hành trình về nguồn tại Biên Hòa. Tham dự hành trình có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tân, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Bảo hộ lao động – Môi trường; Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Tổ chức lao động - tiền lương; Nguyễn Phương Yến Linh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Kế hoạch - Kinh doanh cùng toàn thể đảng viên các chi bộ. Theo kế hoạch, đoàn hành trình về nguồn đã viếng thăm các địa điểm: Tượng đài A42 Sân bay Biên Hòa; Di Tích Lịch sử Văn miếu Trấn Biên – Biên Hòa; Tượng đài Lý Thái Tổ.
Được biết, Cụm Tượng đài được xây dựng năm 1994, với hai mảng chính: Mảng phù điêu bằng chất liệu đồng và tượng đài bằng chất liệu gốm. Trên mảng phù điêu thể hiện hình ảnh người dân Biên Hòa bí mật đưa bộ đội qua sông, cảnh Sân bay Biên Hòa bị phá hủy sau trận tấn công của quân giải phóng. Cụm tượng đài có bốn hình tượng nhân vật hiên ngang trên một phần xác máy bay địch. Người chiến sĩ pháo binh ôm quả đạn cối reo mừng chiến thắng; chiến sĩ bộ binh giữ chặt súng trường trong tư thế tiến công; bộ đội đặc công ôm khối thuốc nổ hướng thẳng mục tiêu; cô dân quân nhẹ nhàng với tay chèo hài hòa thể hiện sự đoàn kết, kề vai sát cánh, phối hợp chiến đấu để làm nên chiến thắng vẻ vang. Đó là cụm tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa: nhắc về một sự kiện lịch sử quan trọng của quân dân Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.


Đoàn hành trình nghe thuyết minh tại khu Di tích Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên là "Văn miếu" đầu tiên được xây dựng (xây năm 1715) tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và là nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nghi đẹp đẽ này tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vào năm 2016, Văn Miếu Trấn Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, du khách đến thăm Văn Miếu Trấn Biên ngày càng đông do phong cảnh rộng thoáng, với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trang nhã. Văn Miếu là nơi bảo tồn, gìn giữ và tôn vinh các giá trị văn hóa-giáo dục xưa và nay của dân tộc và của đất Đồng Nai. Nơi đây còn rất gần với Khu du lịch văn hóa Bửu Long. Tại Văn Miếu Trấn Biên thường tổ chức các lễ viếng các bậc tiền nhân, các lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, các hoạt động mang tính văn hóa dân gian như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thả thuyền trên hồ... Văn Miếu Trấn Biên là nơi đón nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Đồng Nai.
Đoàn hành trình về nguồn cũng đã tổ chức dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên di tích, kể chuyện học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nằm trong khuôn khổ chương trình về nguồn, đoàn cũng đã tham quan tượng đài vua Lý Thái Tổ (974-1028) tọa lạc trong khuôn viên vườn tượng của Văn miếu. Đây là một điểm nhấn đặc sắc, góp phần giúp cho các cán bộ, đảng viên các chi bộ có dịp để hiểu thêm về danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam, lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Phương Yến Linh, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Phòng Kế hoạch - Kinh doanh đánh giá cao công tác chuẩn bị hành trình về nguồn của các chi bộ. Qua đó đã giúp cho các cán bộ, đảng viên từng bước nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, kiến thức thực tiễn, củng cố và hun đúc thêm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc đưa góp phần xây dựng chi bộ, Đảng bộ Tổng Công ty ngày càng ổn định, phát triển.
Theo thanhuytphcm.vn - Mỹ Hạnh