Ra đời vào năm 2001, đến nay Quang Trung đã trở thành công viên phần mềm đầu tiên và thành công nhất của cả nước.
Công viên phần mềm Quang Trung (Ảnh: thesaigontimes.vn)
Công viên phần mềm Quang Trung cũng trở thành điển hình và đại diện cho Việt Nam trong cộng đồng phát triển phần mềm ở khu vực và trên thế giới, với những cái tên như HP, IBM, Hitachi, FPT… Trong sự thành công đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của những trí thức – doanh nhân kiều bào.
Công viên phần mềm Quang Trung nằm ở quận 12, cách Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 15 km. Không gian yên bình trong khuôn viên rộng rãi và xanh mướt như trái ngược hẳn với không khí làm việc khẩn trương bên trong các tòa nhà, nơi các kỹ sư máy tính lúc nào cũng như chạy đua với thời gian để cho ra đời những sản phẩm mới, công nghệ mới. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung cho biết, từ ban đầu chỉ có 21 doanh nghiệp phần mềm nhỏ và siêu nhỏ với 250 người làm việc, đến nay đã thu hút được 120 doanh nghiệp công nghệ thông tin, 33 nhà đầu tư với hơn 18.000 người làm việc và học tập. Các trí thức – doanh nhân Việt kiều có mặt tại nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây. Họ có thể là người sáng lập, nhưng cũng có thể là những nhân vật cốt cán của các công ty trong nước và nước ngoài. Đó cũng là điều mà Ban lãnh đạo của Công viên phần mềm Quang Trung luôn hướng đến từ những ngày đầu. "Ngay từ đầu kiều bào là 1 trong 6 trụ cột quan trọng nhất để thành lập Công viên phần mềm Quang Trung. Trong suốt 15 năm qua, đóng góp của kiều bào thể hiện rất rõ trong quá trình phát triển của Quang Trung. Ngoài về số lượng doanh thu, số lượng nhân sự thì các quan hệ cũng như tác động quảng bá Quang Trung đều thông qua rất nhiều từ kênh kiều bào" - ông Long nói.
Tiến sỹ Ngô Đức Chí, Việt kiều ở Bỉ, hiện là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Global CyberSoft (Việt Nam) - một trong những công ty có số lượng nhân viên đông nhất tại Công viên phần mềm Quang Trung. Global CyberSoft có trụ sở chính tại Mỹ và các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nhật và Châu Âu. Tại thị trường Việt Nam, Global CyberSoft đang là một trong những nhà cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin và tích hợp hệ thống hàng đầu. Chia sẻ về hành trình thành công của Global CyberSoft Việt Nam, TGĐ Ngô Đức Chí cho biết: "Chúng tôi thành lập công ty cách đây 17 năm. Khi đó tôi về Việt Nam để hợp tác với 1 công ty khác. Sau đó tôi gặp 1 số đồng nghiệp, họ nói tại sao không thành lập Cty để sử dụng tất cả các nguồn lực rất tốt của người Việt Nam? Cty của chúng tôi lúc đó đặt tại khu phần mềm đầu tiên của Việt Nam, nằm ở đường Trương Định, rồi đến năm 2006 chúng tôi mới chuyển về Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là một mô hình rất hiệu quả trong việc kết nối các công ty làm cùng ngành. Tất cả những vướng mắc, khó khăn đều được Ban quản lý Trung tâm này hỗ trợ rất hiệu quả. Tôi nghĩ khả năng đóng góp của kiều bào có thể lớn hơn rất nhiều. Có nhiều lý do khiến đóng góp của kiều bào chưa đạt được hiệu quả nhất. Thế nhưng những người đã về đây như anh Nguyễn Hữu Lệ, hay một số anh em khác thì đều có kết quả rất tốt…".
Sàn làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lệ, kiều bào Canada mà ông Ngô Đức Chí nói đến, được coi là người tiên phong trong ngành gia công phần mềm tại Việt Nam. Từng giữ vai trò lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Nortel hay Paragon Solutions, năm 2001, ông về làm việc cho Công ty dịch vụ Tường Minh, một công ty tư nhân chuyên về gia công phần mềm cung cấp cho nhiều công ty viễn thông hàng đầu trên thế giới. Trước đó ông từng giúp Tường Minh xây dựng mô hình công ty, cố vấn tiếp thị và phát triển cơ sở kinh doanh. Hiện nay, Tường Minh đã trở thành một trong những công ty có quy mô lớn nhất tại Công viên phần mềm Quang Trung và thuộc top những công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam.
Còn có thể kể đến những tên tuổi đã gắn bó và góp phần làm nên thành công của Công viên phần mềm Quang Trung như ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều ở Ôxtrâylia, Tổng giám đốc Công ty SMS; ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Việt kiều ở Mỹ, Tổng giám đốc của công ty InfoNam; hay ông Mitchell Phạm, Việt kiều ở New Zealand với Tập đoàn viễn thông Augen Sofware Solutions… Các doanh nghiệp này đã xây dựng và cung cấp sản phẩm dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu được xuất khẩu tới quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Tiến sĩ Đào Duy Tiến, Phó Chủ tịch Hội trí thức người Việt tại Ba Lan nhận định: "Nhà nước xây dựng những trung tâm như thế này, tôi thấy đó là hướng đi rất đúng đắn. Việt Nam làm ra những sản phẩm để bán ra thị trường bên ngoài, tôi nghĩ đó là điểm rất tốt, nhưng cũng có 1 chút lo lắng về sự cạnh tranh. Ví dụ như Ấn độ, họ có thể cung cấp cho khách hàng bên Mỹ với tốc độ nhanh, tối nay đặt hàng là sáng mai đã có sản phẩm. Mình làm sao cũng phải làm được như vậy, như vậy cần có đội ngũ tương lai giỏi. Để có được đội ngũ giỏi thì phải đào tạo, ở trong nước và cả ở nước ngoài. Hoặc chúng ta cũng có thể mời các chuyên gia ở nước ngoài về giúp đỡ và làm việc tại các trung tâm công nghệ như thế này".
Từ thực tiễn thành công trong hơn 15 năm hoạt động, Công viên phần mềm Quang Trung được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và được nhiều địa phương nghiên cứu học tập. Theo nhu cầu nhân rộng mô hình này, sẽ cần thêm rất nhiều những trí thức – doanh nhân kiều bào về cùng chung tay xây dựng và phát triển ngành công nghệ thông tin của đất nước.
Nguồn: vovworld.vn