Giám sát sản xuất nông nghiệp với SmartAgri

08/07/2016
Mới đây, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, Công viên phần mềm Quang Trung cùng với Công ty Global Cyber Soft Vietnam (GCS) đã công bố hệ thống công nghệ thông tin giám sát sản xuất nông nghiệp.
 
 

Theo dõi quá trình sinh trưởng các sản phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: T.L

 
Hệ thống “thay” người nông dân quản lý hoạt động sản xuất từ ươm mầm đến thu hoạch, bảo quản theo quy trình chuẩn cũng như liên kết thị trường, tìm đầu ra tốt nhất cho nông sản.

Theo ông Trần Kim Vũ, đại diện Công ty GCS, trước đây việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện thủ công và dựa vào kinh nghiệm của người nông dân là chính. Với SmartAgri, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chip cảm biến được gắn trong nhà màn. Điều này đảm bảo cho các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng luôn được giữ ở một mức độ phù hợp nhất. Cụ thể, hệ thống sẽ sử dụng các công cụ phân tích thông tin môi trường để xác định nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tốc độ gió, lượng mưa, độ pH… tại khu vực sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào đó, các thiết bị của hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, quạt, màn chắn… sẽ tự động vận hành phù hợp với các chỉ số môi trường theo quy trình kỹ thuật đã ấn định trước đó. Khi các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng vượt quá giới hạn, hệ thống sẽ cảnh báo đến người nông dân qua tin nhắn, email hoặc chuông báo động…

Ngoài ra, SmartAgri còn cho phép theo dõi mùa vụ từ bất kỳ nơi đâu thông qua các ứng dụng di động hoặc trình duyệt web trên nền tảng đám mây, ghi lại lịch sử chăm bón và các sự kiện trong suốt mùa vụ, để khi vào vụ thu hoạch, hệ thống sẽ tự tạo mã QR nhằm cung cấp cho người dùng các thông tin về sản phẩm (mùa vụ, ngày trồng và thu hoạch, chất lượng, hàm lượng, xuất xứ, hạn bảo quản...). Đến cuối vụ, SmartAgri sẽ hỗ trợ người nông dân phân tích, đánh giá năng suất theo giống, mùa vụ, quy trình, khu vực sản xuất và đề xuất giải pháp tối ưu cho nhà nông trong các vụ kế tiếp. 

Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP, cho biết nông sản Việt khi xuất khẩu hiện gặp thách thức rất lớn từ các hàng rào tiêu chuẩn công nghệ như giống, sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển… Vấn đề cốt lõi là phải xây dựng và vận hành được chuỗi cung ứng hàng hóa một cách bền vững phục vụ xuất khẩu và nhu cầu trong nước; kết nối người nông dân vào các chuỗi liên kết chiều ngang (hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất - tạo nguồn cung đủ lớn) và chiều dọc (chuỗi cung ứng - đầu ra). Bên cạnh đó, quy trình sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt GlobalGAP, VietGAP, sẵn sàng cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc; cung cấp đầy đủ thông tin thị trường cho người nông dân yên tâm sản xuất… Do vậy, cần thiết phải ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin để quản lý sản xuất nông nghiệp. Với một hệ thống quản lý tự động như SmartAgri, các thông số về sản phẩm được thể hiện chính xác, minh bạch sẽ tạo thành một chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp. Đây là công cụ đắc lực trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…

Cũng theo ông Từ Minh Thiện, cái khó của phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta hiện nay là người nông dân thiếu công nghệ, thiếu quy trình chuẩn..., nhưng đến khi nông sản sản xuất ra lại thiếu đầu ra ổn định, nông dân chưa liên kết lại với nhau. SmartAgri tạo ra một mạng xã hội thu nhỏ, liên kết nhà nông với chuyên gia, nhà nông với đơn vị phân phối, thu mua để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác sản xuất…

Đến nay, SmartAgri đã được thử nghiệm trên 2 vụ dưa lưới trong nhà màn tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Kết quả sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10%, chất lượng và trọng lượng khá đồng đều. Tuy vậy, việc ứng dụng thử nghiệm này chưa được mở rộng trên đồng ruộng và cũng chưa đa dạng cây trồng.


Nguồn: SGGPO