CNS và câu chuyện tái cấu trúc

20/02/2017
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp,  ông Chu Tiến Dũng – Tổng Giám đốc TCty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết, tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình hoạt động đã đem lại cho CNS kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt, doanh thu, lợi nhuận sau thuế của DN đã tăng trưởng vượt bậc.
 
– Sau một thời gian hoạt động theo mô hình TNHH Một Thành viên, TCty đã có những đột phá, trở thành “con chim đầu đàn” của ngành công nghiệp TPHCM… Vậy đâu là yếu tố tạo sự đột phá này, thưa ông?
 
Xác định tái cấu trúc để phát triển, ngay từ đầu Ban lãnh đạo TCty lên kế hoạch triển khai bằng việc đánh giá lại nguồn lực của từng DN thành viên trong TCty với các nội dung gồm: nhân lực, trình độ kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị…
 
– Con người và khoa học công nghệ, đâu sẽ là ưu tiên trong công cuộc tái cấu trúc này, thưa ông?
 
Trong kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, CNS đã quyết định lấy con người là yếu tố quyết định nên đã tập trung ưu tiên hàng đầu cho tái cấu trúc nguồn nhân lực. CNS đã giải quyết bài toán này qua việc tìm kiếm, tăng cường nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ hiện tại. Tiếp theo đó là đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để người lao động đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
 

Ông Chu Tiến Dũng – Tổng Giám đốc TCty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) tại lễ nhận giải 100 DN, doanh nhân Tiêu biểu 2016.
 
CNS đã xác định, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất là yếu tố sống còn, giúp DN sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao… Do vậy, TCty đã tập trung đổi mới kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị, cơ sở sản xuất thông qua thực hiện đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tại các nhà máy.
 
Thực tế hoạt động của DN trong thời gian qua cho thấy, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại đã giúp DN tăng năng suất lao động, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có hàm lượng giá trị gia tăng cao…

 
CNS sẽ tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp
 
 
Cùng với đó, CNS cũng tiến hành tái cấu trúc hệ thống để sắp xếp, tổ chức lại các DN trong TCty nhằm hợp lý hóa quá trình sản xuất; tận dụng khai thác, phát huy các nguồn lực sẵn có hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN để đẩy mạnh sự phát triển các ngành công nghiệp. Khi sản xuất đã ổn định, chất lượng hàng hóa được nâng cao, hàm lượng giá trị sản phẩm gia tăng, CNS tiến hành tái cấu trúc hoạt động thương mại, chuyên môn hóa hoạt động phân phối.
 
– Thưa ông, vốn cho sản xuất kinh doanh luôn là bài toán nan giải của không ít DN. Vậy ở CNS vấn đề này được giải quyết ra sao trong bối cảnh khó khăn hiện nay?
 
Đúng vây, vốn cho sản xuất kinh doanh luôn là bài toán quan trọng của tất cả các DN. Ở CNS, trước tình hình vốn tại các đơn vị trực thuộc thấp, hoạt động khó khăn, để tái cấu trúc, TCty đã thực hiện công tác lành mạnh hóa tài chính; một mặt thực hiện điều chuyển vốn hợp lý cho các ngành nghề, DN; đồng thời, hỗ trợ vốn cho các đơn vị bằng nhiều hình thức như: đầu tư tăng vốn, để lại lợi nhuận, cổ tức cho đơn vị hoạt động trong thời gian dài không tính lãi, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên vay vốn… Cách làm này đã giúp các DN thành viên có đủ nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu chi phí lãi vay làm tăng sức cạnh tranh.
 
– Nhìn nhận của ông về môi trường kinh doanh hiện nay?
 
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến lượng DN mới thành lập mới tăng cao, tuy nhiên, năm 2016 số lượng lớn DN rời bỏ thị trường và số DN phải tạm ngừng hoạt động cũng không nhỏ. Nhưng, nhìn nhận chung về môi trường kinh doanh, tôi cho rằng, năm 2016, môi trường kinh doanh có nhiều chuyển biến, khởi sắc; DN nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ Chính phủ, thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết, như: Nghị quyết 35/NQ – CP, Nghị quyết 19-2016/NQ – CP …
 
Nắm bắt đươc xu thế này, thời gian qua, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, TCty đã cải tiến, đổi mới mẫu mã, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời, mở rộng tìm kiếm thị trường… Do vậy, các lĩnh vực, ngành hàng của CNS đều tăng trưởng. Các sản phẩm thuộc ngành cao su, kĩ thuật cao tăng trưởng 16%; Trong lĩnh vực điện tử, CNTT TCty đã thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài, liên doanh liên kết trong lĩnh vực vi mạch, tạo tiền đề cho sản xuất các sản phẩm công nghệ cao…
 
Được ví là “tầm nhìn tới tương lai”, giai đoạn 2017 -2020 TCty sẽ đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Vậy để triển khai Dự án này TCty đã chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Từ năm 2017, khoảng gần 2.000 xe buýt các loại trên địa bàn TP sẽ được đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh thay cho vé thông thường. Đây là nội dung quan trọng trong dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” do CNS và Liên danh FPT đề xuất thực hiện.
 
Dự án sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng CNTT, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử thông minh ứng dụng công nghệ thẻ thông minh không tiếp xúc (contactless smartcard). Theo đó, hành khách sẽ chỉ sử dụng một thẻ điện tử duy nhất khi đi lại trên toàn bộ tuyến của mạng lưới xe buýt công cộng.
 
Theo tôi, mục tiêu của dự án là đầu tư hạ tầng CNTT tiên tiến và giải pháp thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách đa phương thức trong tương lai. Từ đó, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Dự án còn góp phần giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ chất lượng môi trường, hướng tới phát triển đô thị bền vững.
 
Được đánh giá là một doanh nhân có duyên trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này?
 
Cá nhân tôi từng có 15 công tác tại công viên phần mềm Quang Trung, gắn kết với các đối tác trong và ngoài nước. Như bạn đã biết, công nghệ cao không có biên giới, do vậy điều quan trọng nhất đó là chọn đối tác đúng tin, cậy, mục tiêu cùng có lợi, cùng chia sẻ, mới có thế hợp tác dài lâu và bền vững được…
 
– Ông quan niệm thế nào về sự mạo hiểm của doanh nhân? Theo ông một doanh nhân cần phải có những phẩm chất gì? Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong quản trị DN nhìn từ thực tiễn CNS?
 
Đó là tư duy dám nghĩ dám làm. Doanh nhân luôn song hành với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của DN. Với bản thân tôi, mục tiêu là làm sao để các sản phẩm của CNS khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. CNS phải tham gia tích cực vào ngành công nghiệp hỗ trợ TP HCM. Bên cạnh đó, CNS sẽ tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của TP nói riêng và cả nước nói chung.
 
– Xin cảm ơn ông!
 
 
 Nguồn: enternews.vn