Báo cáo tại buổi làm việc, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch TPHCM, cho biết chương trình sẽ thực hiện 7 đề án, dự án đồng bộ, khép kín gồm: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; đề án phát triển thị trường vi mạch; chương trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch; đề án nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; dự án xây dựng nhà thiết kế.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển công nghiệp vi mạch điện tử TP trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng 20% - 30%/năm. Chương trình cũng sẽ đào tạo 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo 500 cán bộ chủ chốt. Mục tiêu của chương trình là hướng đến các sản phẩm thương mại phục vụ các nhu cầu cụ thể trong nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, ngành công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng, là nền tảng để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Trong khi đó, trước nay ngành này phát triển nhỏ lẻ nên mục tiêu của chương trình là tạo cuộc cách mạng trong phát triển ngành công nghệ thông tin, chuyển từ gia công sang nghiên cứu chế tạo, từ lắp ráp sang sản xuất. Chương trình tập hợp rất đông các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đây là ngành non trẻ, mang tính cạnh tranh khốc liệt và tính rủi ro cao nên rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là trong việc thu hút đội ngũ chất xám trong và ngoài nước. “Thị trường tiêu thụ không lo nhưng nếu không có chính sách tốt rất khó phát triển” - Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà khẳng định. TP kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, sớm phê duyệt dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện dự án phòng thí nghiệm chế tạo IC với nguồn kinh phí khoảng 500 tỷ đồng từ Chương trình phát triển công nghệ cao của Bộ KH-CN hoặc từ nguồn đầu tư khác…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch đầu tiên cả nước. Tuy nhiên, do Việt Nam chỉ là nước đi sau, trong khi thế giới đã đi vào lĩnh vực này cả chục năm nên để cạnh tranh được, Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM cần làm rõ lợi thế của mình và tính cạnh tranh. Theo Phó Thủ tướng, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một lợi thế mà TPHCM đang có. Liên quan đến xây dựng nhà máy sản xuất chip, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây cũng là một quyết định mang tính rủi ro cao nên cần xác định được đầu ra cho sản phẩm. TPHCM phải phối hợp với từng bộ, ngành để tìm hiểu nhu cầu, từ đó hình thành một nhóm các sản phẩm đặc thù có thể thương mại hóa được.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng Online